Định cư Malta mất bao nhiêu tiền

Hội đồng bầu cử quốc gia hôm qua 17-7 đã không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đơn vị Hà Nội. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia, lý do của việc không công nhận này là bà Hường đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta và do đó đã vi phạm Luật Quốc tịch của Việt Nam.

định cư Malta

Cộng hòa Malta ở đâu và vì sao các doanh nhân, chính khách nước ngoài lại muốn nhập quốc tịch Malta?

Theo trang premieroffshore.com, Malta được xem là 1 trong 10 quốc tịch thứ hai mà những người giàu có chọn lựa. Malta là thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2004 nên một người có quốc tịch Malta thì có thể đi lại và làm việc ở bất kỳ đâu trong Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ. Ngoài ra, người sở hữu quốc tịch Malta cũng có thể được miễn thị thực du lịch tại hơn 160 quốc gia, trong đó có cả Mỹ.

Chính vì những lợi thế đó mà từ đầu năm 2014, theo trang New York Times, Malta đã đưa ra một chương trình gọi là Citizenship by Investment Malta (IIP), tức là đầu tư để có được định cư Malta. Chương trình này đã thu hút được hàng trăm tỉ phú Trung Quốc, Nga, và các nước Trung Đông. Chương trình IIP của Malta cũng là chương trình công dân đầu tư đầu tiên được Ủy ban châu Âu công nhận.

So với các quốc gia phương Tây khác, đảo quốc Malta là một trong những quốc gia có chi phí quyền công dân rẻ nhất thế giới.

Danh lam thắng cảnh lịch sử tại Rabat, đảo Malta

Vậy làm thế nào để được là công dân Malta? Theo trang Maltaimmigration.com, ngoài yêu cầu về sức khỏe thì tiền là vấn đề không thể thiếu khi muốn nhập cư vào Malta. Theo đó, cá nhân và gia đình muốn nhập cư theo chương trình IIP phải đóng góp một khoản tiền không hoàn lại vào Quỹ Xã hội và Phát triển quốc gia được thành lập bởi chính quyền Malta. Quỹ này sẽ được dùng để phát triển y tế công, giáo dục, tạo việc làm, cải thiện phúc lợi xã hội….

Cụ thể, người nộp đơn chính xin nhập cư phải nộp vào quỹ này là 650.000 euro (tương đương 16 tỉ đồng); vợ hoặc chồng đi theo phải nộp 25.000 euro (tương đương 635 triệu đồng); con chưa tới tuổi thành niên 25.000 euro….

Như vậy, tối thiểu một gia đình gồm 1 vợ, 1 chồng và 1 con chưa đủ tuổi thành niên nếu muốn nhập quốc tịch Malta sẽ phải nộp vào quỹ trên khoảng 17,3 tỉ đồng.

Ngoài ra, ứng cử viên cần phải mua bất động sản ở Malta với giá trị tối thiểu là 350.000 euro (9 tỉ đồng) và sở hữu tối thiểu trong vòng 5 năm; đầu tư ít nhất 150.000 euro (3,8 tỉ đồng) mua trái phiếu chính phủ Malta và sở hữu tối thiểu 5 năm… Do đó, một người muốn nhập quốc tịch Malta tối thiểu phải có trong tay trên 30 tỉ đồng Việt Nam. Tuy vậy, theo bình luận của trang BBC, Malta vẫn là một trong những nơi rẻ nhất để nhập quốc tịch.

Song, theo tờ New York Times, chương trình này của Malta vấp phải sự chỉ trích của các quan chức trong Liên minh châu Âu vì cho rằng, những người nộp đơn nhập quốc tịch Malta là muốn nhắm tới thị thực vào EU, khi đó họ được đi lại và làm việc trong liên minh này, bao gồm cả London và Paris.

Cộng hòa Malta là một đảo quốc nhỏ gồm bảy hòn đảo giữa Địa Trung Hải, cách đảo Sicilia của Ý 93 km về phía nam, cách Tunisia 288 km về phía bắc, vịnh Gibralta 1826 km về phía đông và Alexandria 1.510 km về phía tây. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Malta và tiếng Anh.

Chỉ rộng 300 km2, Malta là một trong những quốc gia nhỏ và có mật độ dân số cao bậc nhất thế giới. Malta là một điểm du lịch quốc tế với nhiều khu giải trí và di tích lịch sử, bao gồm 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận, nổi bật nhất là các đền Megalithic – một kiến trúc đứng riêng lẻ cổ nhất thế giới.

Là một nước nhỏ nên Malta rất kỹ lưởng trong việc chọn đối tác quan hệ. Do lịch sử, Malta có quan hệ khá chặt chẽ với Anh. ưu tiên chính phát triển quan hệ với các nước thành viên EU. Bên cạnh đó, Malta cũng chú trọng mở rộng quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực Địa Trung Hải và Bắc Phi; các nước lớn ở Trung Âu và vùng Baltic; và tại châu Á là Trung Quốc.

Đây là một đảo quốc nổi tiếng về du lịch. Ngành dịch vụ chiếm 74% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Công nghiệp chiếm 23% bao gồm các mặt hàng máy móc, sản xuất và sửa chữa tàu thuyền, thực phẩm, giày dép và quần áo… Nông nghiệp chỉ chiếm 3% GDP.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, quan hệ kinh tế Việt Nam – Malta còn rất hạn chế. Kim ngạch thương mại 2 chiều khoảng 1 triệu đô la Mỹ/năm.

Hiện nay, Đại sứ quán Malta tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Ý kiêm nhiệm Malta. Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc chính trị ở mức bình thường thông qua các Đại sứ quán kiêm nhiệm và các tổ chức quốc tế lớn.

Nguồn: Thời Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết liên quan
Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo
Facebook Messenger